Trầm Cảm Sau Sinh: Triệu Chứng Nhận Biết Và Cách Điều Trị - Tâm Dược

 

Trầm Cảm Sau Sinh: Triệu Chứng Nhận Biết Và Cách Điều Trị

 

Trầm cảm sau sinh – nỗi ám ảnh bất kỳ người phụ nữ nào giai đoạn hậu sản. Hiện nay, thực trạng này khá phổ biến và để lại những hệ lụy ảnh hưởng đến cả tính mạng phụ nữ khi họ mất khả năng kiểm soát bản thân. Cùng tìm hiểu những triệu chứng và cách điều trị giúp phụ nữ sớm phục hồi lại sức khỏe, ổn định tinh thần giai đoạn sau sinh nhé!

 

1.Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là một rối loạn tâm trạng sau sinh, phụ nữ thường cảm thấy buồn bã, lo lắng, kiệt sức. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần phụ nữ, đồng thời khiến họ khó có thể hoàn thành các hoạt động chăm sóc bản thân, chăm sóc con nhỏ.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, người mẹ có thể bị đau khổ đến nỗi có suy nghĩ và hành vi tự tử. Những ảnh hưởng của chứng trầm cảm sau sinh khiến người mẹ, đứa trẻ và cả gia đình bị ảnh hưởng, khó để có cuộc sống bình thường.

Trên thế giới, có khoảng 10% phụ nữ mang thai và 13% phụ nữ vừa mới sinh con mắc phải triệu chứng rối loạn tâm thần, trầm cảm sau sinh. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này cao hơn.

 

 

2. Các triệu chứng nhận biết trầm cảm sau sinh

Một số triệu chứng phổ biến mà phụ nữ trầm cảm hay gặp phải, bao gồm:

+ Cảm thấy buồn, vô vọng, trống rỗng hoặc quá tải

+ Khóc nhiều và thường xuyên hơn bình thường mà không rõ lý do

+ Lo lắng hoặc cảm thấy sợ hãi

+ Cảm thấy buồn phiền, cáu kỉnh, bồn chồn

+ Ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ

+ Khó khăn khi tập trung, ghi nhớ chi tiết và đưa ra quyết định

+ Có những cơn giận dữ hoặc mất kiểm soát

+ Không quan tâm đến các sở thích trước đây của bản thân

+ Đau đớn về thể xác: đau nhức đầu thường xuyên, đau dạ dày, đau cơ.

+ Xa lánh hoặc lảng tránh người thân, bạn bè, chỉ muốn 1 mình

+ Ăn quá ít hoặc quá nhiều

+ Khó khăn trong việc gắn kết tình cảm với con mình

+ Không tin tưởng vào khả năng chăm sóc con mình

+ Xuất hiện những suy nghĩ về việc làm hại bản thân hoặc cho con của mình

Nếu gặp một trong số các triệu chứng dưới đây, các bà mẹ có thể rơi vào chứng trầm cảm sau sinh và nên tìm đến lời khuyên của các chuyên gia y tế và cùng chia sẻ tình trạng bản thân với gia đình, người thân để được chăm sóc tốt hơn.

 

 

3. Cách điều trị trầm cảm sau sinh

Sử dụng liệu pháp tâm lý và liệu pháp dùng thuốc là hai cách áp dụng phổ biến hiện nay dành cho phụ nữ trầm cảm sau sinh. Cụ thể:

Liệu pháp tâm lý

Là các cuộc trò chuyện riêng với chuyên gia về sức khỏe tâm thần (chuyên gia tư vấn, bác sĩ trị liệu, nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần,..). Hai loại tư vấn được xem là có hiệu quả đặc biệt trong điều trị chứng trầm cảm sau sinh là:

Liệu pháp hành vi nhận thức: giúp người bệnh nhận ra và thay đổi suy nghĩ tiêu cực và hành vi của mình.

Liệu pháp tương tác: giúp mọi người xung quanh hiểu và hỗ trợ điều trị với người bị bệnh.

 

 

Liệu pháp dùng thuốc

Các thuốc chống trầm cảm tác động lên các chất hóa học trong não bộ liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng, dùng để điều trị trầm cảm sau sinh gồm:

+ Các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin

+ Các thuốc chống trầm cảm ba vòng

Dẫu vậy, các loại thuốc này sẽ gây ra tác dụng phụ, tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm trên mỗi bệnh nhân cũng khác nhau, phụ thuộc vào liều dùng. Bệnh nhân dùng liều cao thường dễ gặp tác dụng phụ hơn. Tác dụng phụ thường hết sau một khoảng thời gian ngắn dùng thuốc, nhưng nếu chúng vẫn tồn tại, kéo dài, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ.

Thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng kết hợp với các liệu pháp điều trị tư vấn và hỗ trợ. Người bệnh có thể cảm thấy tốt hơn ngay sau 1 đến 3 tuần dùng thuốc. Tuy nhiên, có thể mất từ 6 đến 8 tuần mới có thể cải thiện phần lớn các triệu chứng. Nếu người mẹ có thắc mắc hoặc lo lắng trong quá trình dùng thuốc, hoặc không nhận thấy bất cứ sự cải thiện nào sau 3 -4 tuần dùng thuốc, hãy nói trao đổi lại với bác sĩ.

Như vậy, trầm cảm sau sinh rất dễ xảy ra với phụ nữ, đặc biệt ở những người thần kinh nhạy cảm và gặp biến cố trong quá trình sinh và sau sinh. Người thân xung quanh cần quan tâm, hỏi han, chia sẻ nhiều hơn với các mẹ bỉm sữa để tránh khiến họ rơi vào trầm cảm.