Thận Trọng Khi Dùng Thuốc Tránh Thai Khẩn Cấp - Tâm Dược

Thận Trọng Khi Dùng Thuốc Tránh Thai Khẩn Cấp

 

Sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp (TTKC) là biện pháp tránh thai sau khi giao hợp không sử dụng một biện pháp phòng tránh nào. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, bị động và không phải là biện pháp tuyệt đối an toàn. Vì thế, bạn nên thận trọng khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp.

1. Đặc tính của thuốc tránh thai khẩn cấp

Thuốc tránh thai khẩn cấp (TTKC) được chỉ định dùng cho những phụ nữ có quan hệ tình dục đột xuất, quên uống thuốc tránh thai hàng ngày, tính sai ngày an toàn, vòng tránh thai bị tuột, bao cao su bị rách, thủng,… chưa muốn có thai hoặc bị cưỡng hiếp…

Trên thị trường có nhiều loại thuốc với các cách dùng khác nhau. Thuốc tránh thai khẩn cấp có khá nhiều tên biệt dược như: levonelle-2, norievo, plan B, postinor, postinor-2, microlut, norgeston, microval, ovrrette. Sản phẩm hay được sử dụng là loại thuốc levonorgestrel là một chất progestogen tổng hợp dẫn xuất từ nortestosteron.

Thuốc có tác dụng và cách dùng cũng giống như các progestogen nói chung, nhưng là thuốc ức chế phóng noãn mạnh. Levonorgestrel làm thay đổi dịch nhày cổ tử cung, tạo nên một hàng rào ngăn cản sự di chuyển của tinh trùng vào tử cung. Quá trình làm tổ của trứng bị ngăn cản do những biến đổi về cấu trúc của nội mạc tử cung. Đồng thời, hoạt chất này cũng làm cho chức năng của hoàng thể bị giảm, đóng góp một phần vào tác dụng tránh thai.

Thuốc tránh thai levonorgestrel được sử dụng dưới dạng viên tránh thai uống chỉ có progestogen (như viên microval, norgeston) hoặc phối hợp với estrogen trong viên tránh thai uống kết hợp. Levonorgestrel cũng được dùng dưới dạng thuốc tránh thai tác dụng dài ngày bằng cách đặt dưới da (như norplant) hoặc đặt vào trong tử cung.

Thuốc này thường đóng vỉ 2 viên. Nếu có sẵn thuốc thì chỉ cần uống một liều duy nhất một viên sau giao hợp trong vòng một giờ. Tuy nhiên, nếu không kịp mua thuốc trong vòng một giờ, có thể uống 1 viên trong vòng 72 giờ sau giao hợp (càng sớm càng tốt) và uống tiếp viên thứ hai sau viên đầu 12 giờ. Nếu không có loại thuốc TTKC, có thể dùng tăng loại thuốc tránh thai thông thường loại phối hợp như: choice, rigevidon, microgynon, marvelon. Loại thuốc tránh thai chỉ có một hormon dành cho phụ nữ cho con bú không dùng làm thuốc TTKC được.

Tất cả các thuốc trên uống liều đầu càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ. Thuốc TTKC hiệu quả đạt 75% nhưng không được sử dụng như một biện pháp tránh thai thường xuyên. Trong một tháng không nên dùng quá 2 lần vì càng dùng nhiều thì hiệu quả càng giảm.

2. Các triệu chứng thường gặp sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp

Sau khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể thấy buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi… Đây là triệu chứng thường gặp và không cần phải quá lo lắng. Nếu bị nôn ngay sau khi uống thuốc, cần uống liều khác mới đảm bảo việc ngừa thai. Nếu nôn sau 2 giờ uống thuốc thì không cần uống bổ sung liều khác. Để khắc phục triệu chứng này, nên uống thuốc ngay sau khi ăn.

Các triệu chứng thường gặp khác như: Nhức đầu, chóng mặt, loạn thị, căng ngực, đau ngực… cũng đều là hiện tượng bình thường, sau khi thuốc hết tác dụng thì các biểu hiện này cũng sẽ hết.

Khoảng 50% trường hợp dùng thuốc gặp phải tình trạng ra máu âm đạo ngoài kỳ kinh nguyệt. Vì thuốc có chứa progestin hay estrogen hàm lượng cao – gây ra máu âm đạo, sau chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo, hiện tượng này cũng sẽ hết, nên hầu hết các trường hợp gặp phải hiện tượng này không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, có một số ít trường hợp chảy máu âm đạo sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp là biểu hiện của tình trạng bất thường như sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung. Nếu nghi ngờ, cần đi khám chuyên khoa sản ngay để được xử trí kịp thời.

Thông thường, kinh nguyệt sẽ diễn ra bình thường đúng ngày hoặc có thể sớm hoặc muộn hơn so với kỳ kinh cũ 1 tuần. Nhưng nếu kỳ kinh tiếp theo trễ quá lâu, nên dùng các biện pháp thử thai (que thử, xét nghiệm máu…), vì vẫn có trường hợp mang thai dù đã uống thuốc. Một số trường hợp khác gặp phải tình trạng rong kinh, rối loạn kinh nguyệt, thay đổi về lượng khí hư, thay đổi tâm trạng hoặc lãnh cảm… Dù các biểu hiện trên đây là khá bình thường, nhưng nếu hiện tượng này không giảm sau vài ngày uống thuốc, cần phải đi gặp bác sĩ.

Ngoài triệu chứng thường gặp ngắn hạn như trên, tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp có thể sẽ kéo dài hơn nếu lạm dụng hoặc cơ thể không dung nạp thuốc, như: Tăng cân, rối loạn hô hấp, trầm cảm, rối loạn huyết áp… Ở một số phụ nữ cũng có trường hợp gặp phải chứng u nang buồng trứng khi dùng thuốc.

Cũng như mọi thuốc tránh thai khác, thuốc TTKC cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Thường gặp nhất là rối loạn kinh nguyệt (khoảng 5% phụ nữ dùng thuốc này). Tiếp tục dùng thuốc thì rối loạn kinh nguyệt giảm. Chảy máu âm đạo thất thường khi sử dụng levonorgestrel có thể che lấp những triệu chứng của ung thư cổ tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung, do đó cần phải khám phụ khoa định kỳ (6 – 12 tháng) để loại trừ ung thư. Chửa ngoài tử cung xảy ra nhiều hơn ở những phụ nữ dùng thuốc tránh thai uống chỉ có progestogen. Nguy cơ này có thể tăng lên khi sử dụng levonorgestrel dài ngày và thường ở những người tăng cân.

Những phụ nữ đang dùng levonorgestrel mà có thai hoặc kêu đau vùng bụng dưới thì thầy thuốc cần cảnh giác về khả năng có thai ngoài tử cung. Người ta thấy khi dùng levonorgestrel hoặc thuốc tránh thai uống nguy cơ bị bệnh huyết khối tắc mạch tăng. Ở người dùng thuốc, nguy cơ đó tăng khoảng 4 lần so với người không dùng thuốc. Khi người dùng thuốc bị viêm tắc tĩnh mạch hoặc bệnh huyết khối tắc mạch, phải ngừng thuốc. Nếu mất thị giác một phần hoặc hoàn toàn, dần dần hoặc đột ngột, hoặc xuất hiện lồi mắt, nhìn đôi, phù gai thị, nhức đầu dữ dội phải ngừng thuốc ngay tức khắc.

Một số phụ nữ dùng thuốc TTKC bị buồn nôn và nôn làm hiệu quả của thuốc sẽ bị giảm… Nếu sau khi uống bị nôn thì phải uống ngay liều khác để thay thế. Nếu sau khi uống 2 giờ mới nôn thì không cần uống bù. Không dùng viên TTKC khi đã có thai hoặc bị dị ứng với thuốc tránh thai. Không được dùng thuốc tránh thai khẩn cấp như một biện pháp tránh thai thường xuyên. Thuốc không phòng tránh được bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.

3. Thận trọng khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp

Mặc dù thuốc có hiệu quả tránh thai khá cao, nhưng vẫn có trường hợp sử dụng thuốc nhưng vẫn có thai ngoài ý muốn, do đó cần sử dụng thuốc đúng thời gian và lắng nghe cơ thể khi tới chu kỳ kinh.

Thuốc được khuyên không nên sử dụng thường xuyên vì càng dùng liên tục thì hiệu quả ngừa thai càng giảm. Do hàm lượng thuốc cao gấp 4 lần so với thuốc tránh thai hằng ngày, nên chỉ dùng cho người khỏe mạnh và không sử dụng quá 2 lần/tháng. Việc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng nguy hiểm như teo niêm mạc tử cung, ảnh hưởng lâu dài tới khả năng sinh sản. Người lạm dụng thuốc cũng dễ mắc các bệnh về gan, thận, tim mạch, ung thư vú hay ung thư cơ quan sinh sản…

Thuốc tránh thai khẩn cấp có tính ưu việt nhưng cũng gây ra các tác hại không nhỏ, trong đó có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người sử dụng. Do đó, phụ nữ nên tránh lạm dụng phương pháp tránh thai này mà nên áp dụng những phương pháp an toàn hơn như dùng bao cao su, đặt vòng tránh thai, uống thuốc tránh thai hằng ngày…

Trong trường hợp phải dùng thuốc, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Nắm rõ thành phần thuốc để phòng trường hợp dị ứng. Tuân thủ liệu trình và thời gian dùng thuốc.

Do thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây hại cho thai kỳ. Nên khi muốn có thai, để bảo đảm sự phát triển của thai nhi sẽ an toàn, cần ngừng sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp và sử dụng bao cao su cho đến khi có kỳ kinh tiếp theo.

Nguồn : DS. Minh Thành và ThS. Quỳnh Nga

 

 

 

 

 

 

Xem thêm:

➡ Các biểu hiện trẻ trầm cảm bố mẹ không nên bỏ qua

➡ Đột quỵ ở nam giới

➡ Các thuốc có thể gây khô mắt

➡ Dấu hiệu dị ứng thuốc trên da