Sử Dụng Melatonin Điều Trị Chứng Mất Ngủ Sao Cho Đúng Cách? - Tâm Dược

Sử Dụng Melatonin Điều Trị Chứng Mất Ngủ Sao Cho Đúng Cách?

 

Melatonin được dùng để hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ, là thành phần chính trong các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ ngon. Nhưng việc sử dụng melatonin không đúng cách sẽ tiềm ẩn những mối nguy hại sức khỏe. Vậy, sử dụng melatonin điều trị chứng mất ngủ sao cho đúng cách? Cùng tìm hiểu nhé!

 

1. Melatonin hoạt động như thế nào?

Melatonin tự nhiên được tiết ra từ tuyến tùng, đây là hormone giúp điều chỉnh nhịp sinh học cơ thể. Melatonin được sản xuất theo lượng ánh sáng mà cơ thể tiếp xúc. Tuyến tùng giải phóng một lượng melatonin lớn hơn khi trời tối khiến cơ thể có cảm giác buồn ngủ. Nó liên kết với các thụ thể trong não để giảm các hoạt động thần kinh, cũng như giảm mức dopamine, một loại hormone giúp bạn tỉnh táo.

Khi nồng độ melatonin tăng lên, mức độ cortisol hormone căng thẳng giảm, hô hấp chậm lại, mí mắt bắt đầu sụp xuống, cơ thể sẽ chìm vào giấc ngủ. Vì vậy, việc bổ sung melatonin giống như uống một liều thuốc đánh lừa cơ thể. Khiến cơ thể cảm thấy như đang ban đêm và đưa tín hiệu báo cho cơ thể biết rằng đã đến lúc phải ngủ.

Melatonin không chỉ là một chất hỗ trợ tự nhiên, nó cũng là một loại hormone mà não bộ con người sản xuất một cách tự nhiên, vai trò trong chu kỳ thức – ngủ. Điều cần biết là các hormone, ngay cả với số lượng rất nhỏ cũng có thể tác dụng mạnh lên toàn bộ cơ thể.

 

2. Sử dụng melatonin điều trị chứng mất ngủ sao cho đúng cách?

Các nhà nghiên cứu cho biết trong hầu hết các trường hợp, melatonin bị lạm dụng như một chất hỗ trợ chữa chứng mất ngủ. Tuy nhiên, trên thực tế, các bằng chứng cho thấy, hiệu quả của việc sử dụng các chất bổ sung melatonin điều trị chứng mất ngủ không cao.

Bình thường cơ thể tạo ra melatonin một cách tự nhiên trong não, nhưng chỉ với lượng picogram (một phần tỷ miligram). Trong khi đó, chất bổ sung melatonin không kê đơn lại có liều lượng đo bằng miligam, cao hơn nhiều so với lượng melatonin tự nhiên.

Nhiều chuyên gia khuyên rằng, nên bắt đầu với liều lượng nhỏ nhất từ 0,5 miligam đến 1 miligam, 30 phút đến một giờ trước khi đi ngủ. Nếu không có tác dụng, có thể tăng dần liều lượng đến liều tối đa được khuyến nghị (thông thường là 5 miligam).

Ở liều cao hơn chưa chắc đã có hiệu quả hơn và có thể phản tác dụng, có thể khiến bạn buồn ngủ vào ban ngày khi bạn không muốn ngủ, đồng thời cũng làm tăng các tác dụng phụ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm cơn động kinh trở nên tồi tệ hơn; thay đổi nhịp tim và huyết áp, giảm dung nạp glucose; các tương tác thuốc có thể xảy ra đối với những người đang dùng thuốc điều trị rối loạn co giật, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc làm loãng máu.

Nguyên nhân mất ngủ có thể do lo lắng, cũng như một loạt các bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng khác, như ngưng thở khi ngủ, trầm cảm và có thể cần điều trị y tế. Nhiều hành vi phổ biến cũng có thể khiến chúng ta khó đi vào giấc ngủ hơn, bao gồm cả việc sử dụng điện thoại gần giờ đi ngủ, điều này có thể cản trở quá trình sản xuất melatonin tự nhiên.

Tốt nhất trước khi dùng melatonin để điều chỉnh giấc ngủ, nên hỏi ý kiến chuyên gia về giấc ngủ. Bởi theo các chuyên gia, việc bổ sung melatonin không giải quyết được nhiều nguyên nhân làm gián đoạn giấc ngủ.

Ngoài việc sử dụng chất bổ sung melatonin để điều trị chứng mất ngủ, có thể lựa chọn các cách sau:

– Thiền.

– Tắm nước ấm và làm mát phòng ngủ.

– Bỏ caffeine và rượu.

Ngoài ra, các chuyên gia đặc biệt khuyến khích những người bị chứng mất ngủ kinh niên tìm đến liệu pháp hành vi nhận thức, một phương pháp điều trị tâm lý ngắn hạn có thể giúp tìm ra gốc rễ của mất ngủ.

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống

 

 

 

 

 

 

Xem thêm:

➡  Những nguồn vitamin khoáng chất tăng sức đề kháng cho người mắc Covid – 19

➡  6 biện pháp tự nhiên giúp bạn xoa dịu cơn đau bụng ngày “rụng dâu”

➡  Covid – 19 có thể gây rối loạn cương dương ở nam giới

➡ Hướng dẫn sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị Covid – 19

➡  Vitamin C có hỗ trợ bạn phòng ngừa covid – 19?