Hội Chứng Raynaud Là Gì, Chữa Thế Nào?
Khi cơ thể đối phó với nhiệt độ lạnh hoặc khi gặp các tình huống căng thẳng cảm xúc, cơ thể giảm lưu lượng máu đến cung cấp cho các mô và tế bào. Đó là lúc bạn đang đối mặt với hội chứng Raynaud. Hội chứng này liệu có nghiêm trọng và thuốc nào được dùng để điều trị? Cùng tìm hiểu nhé!
1. Hội chứng Raynaud là gì?
Hội chứng Raynaud là tình trạng bệnh lý co thắt các mạch máu ngoại vi khi gặp lạnh hoặc các tình huống căng thẳng, giảm lưu lượng máu đến cung cấp cho các mô và tế bào. Ngón tay, ngón chân, tai, núm vú và chóp mũi là những vùng bị ảnh hưởng phổ biến nhất của bệnh Raynaud với các biểu hiện lâm sàng như:
+ Thay đổi màu sắc da từ hồng hào sang trắng hoặc tím xanh.
+ Dị cảm.
+ Tê rần da
+ Thay đổi cảm giác.
Nguy hiểm hơn, biến chứng hoại tử có thể xuất hiện nếu tình trạng co thắt mạch diễn ra trong thời gian dài.
2. Nguyên nhân gây hội chứng Raynaud
Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra hội chứng này. Các nhà nghiên cứu đã cho biết, đây có thể là triệu chứng của một số bệnh lý khác. Nhiều bệnh lý nền đã được chứng minh là nguyên nhân gây bệnh như:
+ Xơ cứng bì
+ Bệnh lý tự miễn Lupus
+ Các bệnh rối loạn về máu như cryoglobulinemia và đa hồng cầu.
+ Bệnh Buerger
+ Hội chứng Sjogren
+ Bệnh lý tuyến giáp
+ Chấn thương ở tay, chân cũng có thể dẫn tới hội chứng Raynaud
+ Hút thuốc lá quá nhiều
+ Các loại thuốc giảm đau hay thuốc điều trị ung thư, dị ứng, thuốc tránh thai và thuốc chẹn beta.
+ Do các chất hóa học như vanyl cloric.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ có thể kích hoạt các triệu chứng tăng nặng. Yếu tố phổ biến nhất là tiếp xúc với thời tiết lạnh. Khi trời lạnh, cơ thể sẽ thu hẹp các mạch máu nhỏ dưới da và mở các mạch máu đến các bộ phận bên trong cơ thể để giữ ấm. Nhưng với bệnh Raynaud, cơ thể hạn chế lưu lượng máu đến da nhiều hơn mức cần thiết.
Đối với nhóm Raynaud thứ phát, bất kỳ bất thường nào liên quan đến mạch máu và các dây thần kinh chi phối mạch máu đều có thể dẫn tới hội chứng Raynaud.
3. Các triệu chứng bệnh
Các triệu chứng bệnh có thể xảy ra khác nhau ở mỗi người. Nhưng phổ biến của bệnh là các biểu hiện sau:
Các ngón tay tái xanh hoặc trắng rồi xanh khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc khi căng thẳng, cảm xúc khó chịu. Sau đó đỏ lại khi bàn tay được làm ấm. Tai, chóp mũi, núm vú là những khu vực có thể bị ảnh hưởng cùng với tay và chân. Biến đổi màu sắc da không nhất thiết phải trải qua theo thứ tự hay đầy đủ cả 3 màu trắng, xanh, đỏ tím. Những người bệnh khác nhau sẽ có các thay đổi màu sắc da khác nhau. Về sau khi tuần hoàn lưu thông trở lại, các ngón sẽ khôi phục lại màu sắc như bình thường kèm theo cảm giác nóng rát.
Rối loạn cảm giác. Ở những khu vực bị ảnh hưởng sẽ có cảm giác tê, dị cảm hay đau nhức, xảy ra song song với sự thay đổi màu sắc da.
Bàn tay có thể sưng và đau khi được làm ấm.
Vết loét trên ngón tay phát triển. Trong trường hợp nghiêm trọng hiếm gặp là hoại tử ở các ngón tay gây nhiễm trùng hoặc phải cắt cụt chi.
4. Một số nhóm thuốc điều trị bệnh Raynaud
Hầu hết bệnh nhân bị hội chứng Raynaud nguyên phát có thể kiểm soát tình trạng bệnh mà không cần dùng thuốc. Nhưng với bệnh nhân thứ phát thì có thể dùng thuốc để giảm các cơn đau. Một số loại thuốc được dùng phổ biến trong trường hợp này là:
Thuốc chẹn kênh canxi
Những loại thuốc này bao gồm amlodipine và nifedipine, hoạt động bằng cách thư giãn các cơ mạch máu. Bác sĩ có thể thử các loại thuốc huyết áp khác như thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin hoặc thuốc chẹn alpha.
Thuốc ức chế PDE – 5
Chất ức chế PDE – 5 làm tăng lưu lượng máu. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phân hủy oxit nitric, một phân tử nhỏ khiến cơ trơn trong động mạch thư giãn. Thuốc ức chế PDE – 5 như silidenafil hoặc vardenafil có thể được kê đơn cùng với thuốc chẹn kên canxi hoặc sử dụng một mình.
Nitrat tại chỗ
Nitrat như nitroglycerin là thuốc giãn mạch trực tiếp cung cấp oxit nitric trực tiếp đến các động mạch và tĩnh mạch khiến chúng mở rộng và lưu lượng máu tăng lên. Phổ biến nhất là gel nitroglycerin bôi trực tiếp lên các vùng bị ảnh hưởng trên da.
Dẫu vậy, việc sử dụng thuốc cũng gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn:
+ Làm tụt huyết áp gây nguy hiểm và đe dọa tính mạng người. Vậy nên, bệnh nhân có tiền sử huyết áp thấp sẽ không thể sử dụng các loại thuốc này.
+ Các tác dụng phụ khác của thuốc giãn mạch là: đỏ bừng, nhức đầu, phù nề và tim đập nhanh.
+ Với thuốc ức chế PDE – 5 gây ra nhiều tác dụng phụ giống như thuốc huyết áp, đó là: nhức đầu. Bên cạnh đó là sự cương cứng dương vật kéo dài hoặc đau đớn cũng là một tác dụng phụ đối với nam giới.
+ Với thuốc nitrat, tác dụng phụ phổ biến nhất là nhức đầu, thường khá đau. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ có cảm giác buồn nôn và chóng mặt.
5. Một số loại thuốc làm co mạch máu cũng có thể gây ra bệnh Raynaud
Việc hiểu biết các nhóm thuốc có tác động đến bệnh Raynaud sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh hiệu quả và dùng thuốc đúng cách. Một số loại thuốc làm co mạch máu cũng có thể gây ra bệnh Raynaud như:
+ Thuốc cảm lạnh và dị ứng không kê đơn.
+ Thuốc giảm cân.
+ Thuốc chẹn beta.
+ Thuốc trị đau nửa đầu.
+ Một số loại thuốc hóa trị.
+ Thuốc tránh thai.
Hội chứng Raynaud không quá nguy hiểm nhưng bạn cũng không thể chủ quan. Hãy dựa vào những biểu hiện bệnh mà bài viết nêu trên để xem bạn có phải là bệnh nhân của hội chứng này không nhé!
Xem thêm
4 chế độ ăn kiêng tốt cho phụ nữ trên 50 tuổi