Điều Cần Biết Khi Sử Dụng Dung Dịch Sát Khuẩn
Dung dịch sát khuẩn là sản phẩm y tế quen thuộc trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng chúng. Thông thường, việc sử dụng thuốc này theo kinh nghiệm và đôi khi không đúng cách, mang lại những tác dụng không mong muốn. Trong nội dung bài viết này, Tâm Dược Group sẽ hướng dẫn bạn những điều cần biết khi sử dụng dung dịch sát khuẩn.
1. Cồn
Với nồng độ 70 độ, cồn có tác dụng sát trùng da, vết thương tốt nhất. Do cơ chế tác dụng của cồn là gây biến tính protein của vi sinh vật, nó có tác dụng diệt khuẩn, nấm và siêu vi, không có tác dụng trên bào tử.
Cồn nồng độ cao hơn cũng làm biến tính protein vi khuẩn nhưng do độ cồn cao nên vô tình đã tạo ra một lớp bọc bên ngoài bảo vệ phần bên trong của vi khuẩn khỏi tác dụng của cồn. Mặt khác, cồn cao độ hơn dễ bay hơi hơn nên cũng giảm phần nào hiệu quả sát trùng. Vì thế không dùng cồn trên 70 độ để sát khuẩn. Cần lưu ý tránh để cồn bắn vào mắt và không được uống.
2. Nước Ôxy Già
Bản chất là một dung dịch không màu của hydro peroxyd (H2O2) trong nước với các nồng độ khác nhau (1,5%; 3%; 6%; 27%; 30%). Với mục đích sát trùng da và vết thương chỉ dùng ở nồng độ thấp (thường là 1,5%, 3%). Nồng độ 6% hay dùng để sát trùng dụng cụ. Còn các nồng độ 27%, 30% dùng để pha thành các dung dịch loãng hơn mới có thể sử dụng được. Ngoài sử dụng để sát trùng vết thương, vết loét, nước ôxy già còn dùng để tẩy uế da, niêm mạc; rửa miệng trong điều trị viêm miệng cấp và súc miệng khử mùi; làm sạch ống chân răng và hốc tủy răng, nhỏ tai để loại bỏ ráy tai, điều trị viêm tai có mủ…
Khi sử dụng ôxy già trên vết thương chúng ta thường thấy có hiện tượng sủi bọt. Đó là do khi bị thương, máu và tế bào tiết ra enzym catalase có tác dụng xúc tác cho phản ứng phân giải H2O2 thành nước và ôxy mới sinh. Bọt trắng chính là khí ôxy mới sinh tạo ra. Ôxy mới sinh có tác dụng ôxy hóa rất mạnh, làm tổn thương màng tế bào vi khuẩn, AND và một số thành phần thiết yếu khác của tế bào vi khuẩn. Đồng thời, hiện tượng sủi bọt cũng có tác dụng cơ học là đùn chất bẩn, mủ ra ngoài do đó làm sạch vết thương. Tuy nhiên, tác dụng sát khuẩn của nước ôxy già yếu và chỉ duy trì trong thời gian khí ôxy được giải phóng ra, mà thời gian này rất ngắn.
Khi dùng nước ôxy già cần lưu ý:
3. Các Chế Phẩm Chứa I-Ốt
Có các loại chế phẩm chứa iốt khác nhau.
Cồn iod: Là hỗn hợp của cồn và iod. Lúc này, lượng cồn thường rất thấp, chỉ đủ để hòa tan iod. Chính iod mới có khả năng ôxy hóa vi khuẩn, diệt nấm ngoài da, biến cồn iốt thành thuốc sát trùng. Đây là chất sát trùng mạnh có tính phá hủy các chất hữu cơ, đặc biệt là da. Do đó cần lưu ý: Không dùng dung dịch cồn iod nồng độ trên 5% để sát trùng. Hạn chế sử dụng trên vùng da mặt, da nhạy cảm và chỉ sử dụng cho vết thương ngoài da, không dùng cho vết thương sâu, hở miệng.
Povidon iod: Là phức giữa iod và polyvinyl pyrolidon, chứa 9 – 12% iod, dễ tan trong nước và cồn. Dung dịch povidon iod sẽ giải phóng iod từ từ, kéo dài tác dụng diệt khuẩn, nấm, virus, động vật đơn bào, kén và bào tử. Tác dụng của thuốc kém hơn các chế phẩm chứa iod tự do, nhưng ít độc hơn. Để sát khuẩn ngoài da và sát trùng vết thương, hiện nay hay dùng povidon iod 10%. Còn dung dịch 1% dùng để súc miệng.
Ngoài ra còn có một số dạng bào chế khác như gel bôi âm đạo, dung dịch vệ sinh âm đạo, bình khí dung chứa bột phun xịt… Mặc dù, sử dụng povidon iod ít độc hơn các chế phẩm chứa iod tự do nhưng thuốc vẫn có thể gây kích ứng da và niêm mạc. Sử dụng nhiều lần trên vùng da tổn thương rộng có thể gây những tác dụng phụ toàn thân.
Việc sử dụng thuốc sát khuẩn để sơ cứu vết thương là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng hướng dẫn, trong một số trường hợp nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Nguồn: DS. Ngô Trang
Xem thêm:
Vì sao thuốc lại làm da tăng nhạy cảm với ánh sáng?
Cách đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc
Vai trò của nitric oxide đối với sức khỏe tim mạch
FDA cảnh báo một số sản phẩm điều trị bệnh xương khớp có chứa thành phần ẩn gây hại