Đau Nửa Đầu: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Đau nửa đầu (đau đầu Migraine) xuất hiện ở một bên nửa đầu với các cơn đau dữ dội và đột ngột, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc dùng thuốc đúng cách hay các giải pháp dân gian là cần thiết lúc này nhằm xoa dịu cơn đau, đưa người bệnh trở về trạng thái bình thường.
1.Nguyên nhân đau nửa đầu
Đau nửa đầu hay còn được gọi là đau đầu Migreine, là tình trạng đau đầu một bên một cách đột ngột và dữ dội, đi kèm với các triệu chứng: buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn. Cơn đau thường kéo dài từ khoảng vài giờ, một số trường hợp có thể kéo dài tới vài ngày. Bạn có thể đau nửa đầu bên trái hoặc đau nửa đầu bên phải với tần suất như nhau.
Đau nửa đầu là bệnh lý khá phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi từ 10 đến 45 tuổi, đây là bệnh tự phát, nguyên nhân của bệnh chưa được giải thích rõ ràng nhưng có thể được xác định bởi các yếu tố sau:
Các nghiên cứu cho thấy sự giãn nở các mạch máu não và phóng thích các chất hóa học như serotonin, dopamin, gây rối loạn chức năng não dẫn đến cơn đau đầu dữ dội.
Một số yếu tố có thể gây khởi phát cơn đau nửa đầu như: căng thẳng thần kinh, mất ngủ, thay đổi nồng độ nội tiết tố sinh dục nữ trong máu, thay đổi thời tiết, ánh sáng chói nhấp nháy, tiếng ồn, chấn thương đầu, khói thuốc lá, một số món ăn gây kích thích,..
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp đau nửa đầu trong số 20 căn bệnh hàng đầu gây thương tật, làm mất sức lao động, tiêu tốn nhiều tiền và sẽ là vấn nạn lớn toàn cầu. Hiện nay, bệnh đau nửa đầu được coi là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ thường gặp ở người trẻ.
2. Triệu chứng đau nửa đầu
Cảm giác vô cùng khó chịu nếu bạn đang phải đối diện với triệu chứng đau nửa đầu và dường như mọi hoạt động, công việc đều đình chỉ, nhường chỗ cho không gian yên tĩnh, nghỉ ngơi.
Đau nửa đầu thường giật từng cơn theo nhịp mạch có cường độ trung bình hoặc nặng. Cơn đau có thể xuất hiện một bên hoặc hai bên đầu hoặc luân chuyển lúc bên này lúc bên kia. Cơn đau thay đổi theo cường độ từ nhẹ đến đau dữ dội và kéo dài từ nhiều giờ đến vài ba ngày.
Cơn đau đầu xảy ra đột ngột kèm các triệu chứng báo trước như: hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt, ù tai, tê buốt da dầu, nói khó,… Cơn đau sẽ nặng hơn khi người bệnh cố gắng sức di chuyển hoặc ho, hắt hơi, thay đổi tư thế đầu,…. Sau cơn đau đầu, người bệnh thường cảm giác mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ.
Đối tượng nguy cơ của bệnh đau nửa đầu:
+ Người có bố mẹ mắc chứng đau nửa đầu có tỷ lệ mắc cao hơn so với người bình thường.
+ Những người thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng
+ Người hay dùng nhiều rượu bia hoặc chất có cồn
+ Phụ nữ những ngày trước hoặc ngay sau ngày hành kinh
+ Phụ nữ đang mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai
+ Phụ nữ mãn kinh
3.Cách điều trị tình trạng đau nửa đầu
Khi cơn đau nửa đầu tái phát, người bệnh nên đến thăm khám tại các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị tích cực. Về việc dùng thuốc điều trị, trước hết cần phải chẩn đoán, đánh giá mức độ nặng của cơn đau để dùng thuốc hiệu quả. Người bệnh có thể được chỉ định các nhóm thuốc sau:
+ Thuốc chống động kinh
+ Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
+ Thuốc ức chế beta
+ Thuốc ức chế kênh canxi
+ Thuốc kháng viêm non steroid
+ Thuốc đồng vận serotonin
Ngoài các nhóm thuốc trên, hàng ngày bệnh nhân có thể bổ sung đầy đủ các khoáng chất, vitamin,… bằng chế độ ăn uống. Một số thực phẩm như: hạt hướng dương, ginkgo biloba, gừng, bạc hà,…. cũng có thể được sử dụng bổ sung cho người bệnh đau nửa đầu.
Do bệnh lý này hay tái phát và gây khó chịu nên bệnh nhân thường có xu hướng lạm dụng thuốc, tự ý tăng liều thuốc. Điều này rất nguy hiểm, do đó bạn cần dùng đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân có thể áp dụng chế độ nghỉ ngơi, các biện pháp giúp giảm cơn đau nửa đầu như:
+ Nằm nghỉ trong phòng tối, yên lặng với đầu kê gối
+ Đắp khăn lạnh bên nửa đầu bị đau
+ Tránh khói thuốc lá và mùi hôi nồng nặc
+ Thư giãn và ngủ nếu có thể
+ Tập các bài thiền, yoga
Hi vọng nội dung bài viết chia sẻ đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức để xoa dịu cơn đau nửa đầu và lấy lại niềm vui cuộc sống.
Xem thêm: