Còi Xương Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân Và Cách Cải Thiện - Tâm Dược

Còi Xương Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân Và Cách Cải Thiện

Còi xương ở trẻ em ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, vóc dáng của trẻ trong tương lai và cả về trí tuệ. Tình trạng này thường diễn ra đối với trẻ dưới 3 tuổi do thiếu vitamin D và dưỡng chất. Các Mẹ cùng tham khảo nội dung bài viết này để cải thiện còi xương ở trẻ em, cho trẻ phát triển toàn diện nhé!

 

1. Còi xương ở trẻ em là thế nào?

Còi xương là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em, biểu hiện bằng tình trạng loạn dưỡng xương. Bệnh hay gặp ở trẻ em từ độ tuổi sơ sinh đến 3 tuổi. Bệnh làm cho xương mềm, xốp, đồng thời biến dạng xương gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Còi xương ở trẻ em xảy ra khi cơ thể bé bị thiếu hụt lượng vitamin D cần thiết, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và photpho, là những nguyên liệu cần thiết để tạo nên bộ khung xương, giúp xương phát triển.

 

 

2. Nguyên nhân còi xương ở trẻ em

Nguyên nhân chính gây nên bệnh còi xương là thiếu vitamin D. Thiếu vitamin này sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột, dẫn tới hạ canxi máu, gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Vitamin D được cung cấp từ 2 nguồn: nội sinh và ngoại sinh.

Nguồn vitamin D ngoại sinh được tổng hợp từ thức ăn, sữa mẹ, thức ăn chứa dầu mỡ.

Nguồn vitamin D nội sinh là từ tiền chất dưới da, dưới tác động của ánh sáng mặt trời chuyển hóa thành vitamin D, đây là nguồn chủ đạo để tham gia chuyển hóa tạo xương của trẻ.

Còi xương ở trẻ cũng có thể do thiếu vitamin K2, một protein vận chuyển canxi tạo xương hay thiếu một số khoáng chất canxi, photpho, kẽm, magie.

 

 

3. Dấu hiệu nhận biết còi xương ở trẻ em

Những dấu hiệu của trẻ mắc bệnh còi xương hay gặp là:

+ Trẻ thường quấy khóc, ngủ không yên, dễ giật mình và đổ mồ hôi về đêm.

+ Tóc rụng nhiều, đặc biệt ở vùng sau gáy như hình vành khăn.

+ Trẻ thường chán ăn, suy dinh dưỡng.

+ Có các bất thường ở vùng xương đầu: thóp rộng và mềm, thóp không đầy và phập phồng theo nhịp thở. Đồng thời, xuất hiện bướu đỉnh đầu, bướu trán hoặc đầu bẹp trông giống cá trê.

+ Răng mọc chậm, rối loạn trương lực cơ hoặc táo bón.

+ Chậm phát triển vận động như: lẫy, lật, bò, đi, đứng.

+ Với trường hợp còi xương cấp tính, trẻ có thể bị co giật do lượng canxi trong máu hạ xuống quá thấp.

 

 

4. Cách cải thiện tình trạng còi xương ở trẻ em

Để ngăn ngừa tình trạng bé thiếu vitamin D dẫn đến còi xương, các mẹ cần chăm sóc trẻ ngay từ trong bào thai. Khi mang thai, phụ nữ nên hạn chế làm việc nặng nhọc, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tránh trường hợp sinh non. Các mẹ nên bổ sung vitamin D dạng uống khi ở tháng thứ 7 của thai kỳ theo liều lượng chỉ định của bác sĩ.

Cho trẻ tắm nắng thường xuyên vào buổi sáng để hấp thụ ánh nắng mặt trời – nguồn vitamin D tự nhiên hữu hiệu nhất. Thời gian tắm nắng lý tưởng và an toàn nhất là trước 9 giờ sáng và trong vòng khoảng 10 đến 30 phút.

 

 

Nên cho trẻ cân đối chế độ ăn, đặc biệt là các món ăn giàu canxi, vitamin D như rau xanh, củ quả, các loại hải sản, các loại đậu,…

Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng cân bằng và tỷ lệ vitamin D cao hơn hẳn tất cả các loại sữa công thức và các thực phẩm bổ sung khác. Thế nên, các mẹ cần ăn uống đầy đủ chất để sữa mẹ giàu dinh dưỡng, mát khỏe.

Nên cung cấp vitamin D và canxi cho trẻ từ nhiều nguồn: thuốc uống hoặc tiêm, các loại chế phẩm, thực phẩm.

Phòng ngừa bệnh còi xương cho trẻ không phải là việc khó, hoàn toàn nằm trong tầm tay của bố mẹ. Không bậc phụ huynh nào mong muốn con mình thấp bé, còi cọc nên việc chú ý chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong những năm đầu đời là vô cùng quan trọng, quyết định đến sự phát triển trong tương lai.

Hi vọng nội dung bài viết đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho cha mẹ, giúp bạn hiểu hơn về còi xương ở trẻ em và có giải pháp cải thiện hiệu quả cho con mình.

 

Xem thêm: 

➡  Cách ăn uống tốt nhất cho người bệnh thoái hóa khớp gối

➡   Omicron – biến thể mới của vrrus  SARS – CoV – 2

➡   Đâu là thời điểm uống cà phê tốt cho sức khỏe?