Các Phương Pháp Giảm Đau Bụng Kinh Ở Phụ Nữ - Tâm Dược

Các Phương Pháp Giảm Đau Bụng Kinh Ở Phụ Nữ

 

Đau bụng khi đến chu kỳ kinh nguyệt khiến nhiều chị em không khỏi đau đớn, ảnh hưởng đến cảm xúc, công việc. Việc hiểu biết về nguyên nhân đau bụng kinh và giải pháp giảm đau sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp chị em kiểm soát cơn đau, cải thiện hiệu quả. Nội dung bài viết này sẽ hướng dẫn các phương pháp giảm đau bụng kinh ở phụ nữ. Cùng tham khảo nhé!

 

1. Nguyên nhân gây đau bụng kinh

Kinh nguyệt là hiện tượng bong ra của các lớp niêm mạc tử cung, đây là dấu hiệu khởi đầu giai đoạn dậy thì của người con gái và duy trì cho đến khi mãn kinh. Tùy vào cơ địa, nhưng đa phần tất cả phụ nữ khi đến ngày “đèn đỏ” thì cơ thể luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ và đặc biệt là cơn đau bụng âm ỉ kèm theo đau lưng, mỏi gối.

Nguyên nhân gây đau bụng kinh ở phụ nữ là do:

+ Tử cung co bóp quá mức để tống máu kinh ra ngoài. Thường gặp ở những tử cung nhạy cảm cao với các kích thích, hoặc là ở những tử cung có tư thế bất thường như gập trước, gập sau,..v…v…

+ Do cổ tử cung hẹp khiến máu kinh khó đi ra ngoài cũng là nguyên nhân gây đau bụng.

+ Do dị tật bẩm sinh ở tử cung như tử cung ngả sau hoặc ngả trước gây ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu kinh gây đau bụng.

+ Do chế độ ăn uống thiếu khoa học trong những ngày hành kinh như: ăn đồ cay nóng, ăn đồ lạnh, bụng không được giữ ấm,…

+ Do nội tiết tố thay đổi, như sự gia tăng bất thường progesterone và prostaglandin trong máu tác động đến tử cung.

+ Do vận động quá mạnh trong ngày hành kinh.

+ Có thể là do yếu tố di truyền từ mẹ sang con.

 

2. Các phương pháp giảm đau bụng kinh ở phụ nữ

Để giúp chị em xoa dịu cơn đau mỗi lần đến ngày “dâu”, để cảm xúc không bị chi phối và công việc vẫn đảm bảo, chị em hãy thủ ngay các phương pháp giảm đau bụng kinh ở phụ nữ.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, lao động góp phần giảm đau bụng kinh

+ Chị em cần nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh vận động quá mức.

+ Tránh stress, căng thẳng, tránh xúc động và đặc biệt là tránh quan hệ tình dục.

+ Luôn giữ ấm cơ thể để máu lưu thông dễ dàng. Đặc biệt là giữ ấm vòng 2 và phần bụng dưới.

+ Phải ngủ ngon và đủ giấc.

+ Chế độ dinh dưỡng đảm bảo. Nên ăn đủ chất, giàu chất xơ, ít dầu mỡ, ăn nhiều rau củ quả. Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin E, B1, B6, magie, kẽm và omega – 3 vì các thành phần này làm giảm hormone gây đau bụng kinh, làm giãn cơ, giảm viêm nếu có.

+ Không nên uống cà phê, rượu bia, hạn chế đồ ăn cay nóng, dầu mỡ.

Áp dụng các phương pháp hỗ trợ giảm đau bụng kinh

+ Điều chỉnh tư thế nằm để giảm đau. Tư thế “thai nhi”, nằm co và nghiêng phải, có thể ôm gối để thoải mái hơn.

+ Chườm nước ấm vào vùng bụng dưới bằng chai hoặc túi nước nóng. Chú ý tránh nóng quá sẽ gây bỏng da.

+ Đắp gừng tươi. Bạn cho gừng tươi cắt lát mỏng, giã nhỏ, cho vào bọc vải, hơ qua lửa, sau đó lấy phần gừng và chườm lên vùng bụng dưới khoảng từ 5 – 7 phút.

+ Dán cao hoặc xoa dầu nóng vào vùng bụng dưới.

+ Ngâm hai bàn chân vào nước muối loãng, ấm và kết hợp massage lòng bàn chân để giảm đau.

+ Massage vùng bụng dưới một cách nhẹ nhàng và thường xuyên trong thời gian hành kinh.

Dùng thuốc điều trị đau bụng kinh

Một giải pháp hữu hiệu được khuyến nghị cho chị em phụ nữ xoa dịu cơn đau bụng kinh là uống vitamin E trước ngày có kinh và tiếp tục duy trì đến ngày thứ 3 của chu kỳ. Trường hợp vẫn không giảm đau thì bạn nên đi thăm khám bác sĩ hoặc cần tư vấn dùng thuốc từ bác sĩ, dược sĩ.

Tóm lại, kinh nguyệt là đặc trưng của phụ nữ khi bước vào giai đoạn sinh sản. Có thể những cơn đau bụng trong mỗi lần hành kinh sẽ gây cảm giác đau đớn, khó chịu cho chị em. Nhưng chúng ta cũng cần có các phương pháp giảm đau bụng kinh ở phụ nữ một cách khoa học, an toàn. Đó cũng là mối quan tâm chung của cộng đồng.

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm

➡ 8 nguy cơ gây bệnh của thức ăn nhanh

➡ Chọn sữa động vật hay sữa thực vật?

➡ Vaccine phòng covid – 19 có ảnh hưởng đến kinh nguyệt phụ nữ